Đại tư mã trẻ tuổi Đổng_Hiền

Hán Ai Đế muốn phong Đổng Hiền tước Hầu, nhưng lệ nhà Hán chỉ phong tước này cho ngoại thích và người có quân công. Khi ấy Đổng Hiền chỉ qua 20 tuổi, không có công trạng to lớn mà đã dần dần chịu sủng thăng quan khiến không ít người gai mắt, nên Hán Ai Đế do dự mãi chưa thấy lý do.

Năm Kiến Bình thứ 4 (3 TCN), tháng 3, Đãi chiếu Tôn Sủng cùng Tức Phu Cung khống cáo Vương hậu của Đông Bình vương Lưu Vân làm chuyện trù yếm, Ai Đế sai Tôn Sủng và Tức Phu Cung thông qua Đổng Hiền mà khống cáo lên, thành công lấy công trạng này gán cho Đổng Hiền, do đó Đổng Hiền lập tức thụ phong Cao An hầu (高安侯), thực ấp 1000 hộ, sau nâng thành 2000 hộ. Thừa tướng Vương Gia bất bình chuyện này, hoài nghi Đông Bình vương vô tội mà đám người Tức Phu Cung vì ân sủng của Ai Đế dành cho Đổng Hiền mà nịnh nọt vu cáo, do đó nhiều lần can gián Ai Đế không quá sủng Đổng Hiền, mắng Hiền là 「Loạn quốc chế độ; 亂國制度」. Cuối cùng Vương Gia bị hạ ngục mà chết[8]. Tháng 8, Ai Đế sai Trung hoàng môn phát binh khí đến chỗ của Đổng Hiền, tổng cộng hết 10 lần[9].

Sau khi Hán Ai Đế kế vị, tổ mẫu Phó Thái hậu và thân mẫu Đinh Cơ đều còn sống, hai nhà họ Phó cùng họ Đinh dần đạt được phú quý quyền thế. Đường đệ của Phó Thái hậu là Phó Hỉ được phong Đại tư mã, quyền phụ chính, do mất lòng Thái hậu mà bị bãi quan. Sau đó cậu của Ai Đế là Đinh Minh nhậm chức Đại tư mã, nhưng có mâu thuẫn ích lợi với Đổng Hiền đang thụ sủng, mà khi Vương Gia chết thì Đinh Minh có đồng tình, nên Ai Đế cố kỵ ông[10]. Hán Ai Đế ngày càng sủng ái Đổng Hiền, muốn phong chức quan trọng cho Hiền nhưng Đinh Minh không thuận, Ai Đế bèn ra chỉ mắng Đinh Minh, lại bãi chức của Minh mà thay bằng Xa Kỵ tướng quân Vi Thưởng, một người cũng xuất thân từ nước Định Đào[11]. Năm Nguyên Thọ nguyên niên (2 TCN), ngày 6 tháng 12 (ÂL)[12], sau khi Vi Thưởng nhậm chức không lâu thì qua đời, Hán Ai Đế chính thức gia phong Đổng Hiền làm Đại tư mã, gia thêm Vệ tướng quân. Sách phong viết:「"Trẫm thừa Thiên Tự, duy kê cổ kiến nhĩ vu Công, dĩ vi Hán phụ. Vãng tất nhĩ tâm, thống tích nguyên nhung, chiết trùng tuy viễn, khuông chính thứ sự, duẫn chấp kỳ trung. Thiên hạ chi chúng, thụ chế vu Trẫm, dĩ tương vi mệnh, dĩ binh vi uy, khả bất thận dữ!"」[13].

Lúc ấy Đổng Hiền chỉ 22 tuổi, tuy hàng Tam công nhưng chỉ ở trong điện chấp chính sự vụ, quản Thượng thư, rất nhiều quan lại vì muốn Ai Đế thăng quan tiến chức cho mình mà đều câu thông với Đổng Hiền. Không dừng lại, Đổng Hiền thấy cha mình chưa được liệt vào hàng Cửu khanh, nên điều nhậm làm Quang Lộc đại phu, bổng lộc tăng thành Trung nhị thiên thạch. Em trai Đổng Hiền là Đổng Khoan Tín thay Hiền làm Phò mã Đô úy, nhiều thành viên nhà họ Đổng cũng được cất nhắc lên làm Thị trung, địa vị của nhà họ Đổng vì có Đổng Hiền là ở trên cả hai ngoai thích họ Phó lẫn họ Đinh[14]. Sang năm (1 TCN), tháng giêng, Hung Nô đến chầu, Hán Ai Đế ban yến và triệu kiến Sứ giả, quần thần ở phía trước. Thiền vu của Hung Nô đối với Đổng Hiền có kinh ngạc vì quá trẻ, vì thế dò hỏi phiên dịch vị này là ai mà cũng dự vào hàng này. Hán Ai Đế lệnh cho phiên dịch nói:「"Đại tư mã niên thiếu, dĩ đại hiền cư vị"」. Thiền vu bèn chức mừng Hán triều có hiền thần[15]. Thừa tướng Khổng Quang khi trước là cấp trên của Đổng Cung, đến khi Đổng Hiền làm Đại tư mã thì Khổng Quang làm Đại tư đồ, Ngự sử đại phu Bành Tuyên làm Đại tư không, chính thức xác định Tam công của Hán Ai Đế[16]. Do quyền thế của Đổng Hiền, Khổng Quang rất cung kính, đích thân đến cổng đón vào nhà, không dám dùng lễ ngang hàng tiếp đãi. Hán Ai Đế nghe vậy cất nhắc anh em của Khổng Quang lên làm Gián đại phu rồi Thường thị, cũng từ đó vị thế của Đổng Hiền ngày càng rõ rệt, ngang bằng Thiên tử[17].

Vào lúc đó, ngoại thích họ Vương nhà Thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân đã suy sụp, trong triều chỉ có con trai của Bình A hầu Vương ĐàmVương Khứ Tật, làm đến Thị trung kiêm Kỵ đô úy. Hán Ai Đế thấy nhà họ Vương đã đơn bạc nên cũng cho cất nhắc bọn họ, đem em trai của Khứ Tật là Vương Hoành làm Trung thường thị, nhạc phụ của Hoành là Tiêu Hàm thuộc về con cháu của Tiền tướng quân Tiêu Vọng Chi, khi ấy cũng đang ở triều đình. Cha của Đổng Hiền là Đổng Cung rất hâm mộ danh tiếng nhà họ Tiêu, cho nên xin cho Đổng Khoan Tín lấy con gái của Tiêu Hàm, nhưng Tiêu Hàm sợ hãi không dám nhận, nói với Vương Hoành:「"Đổng Công khi thụ phong Đại tư mã, sách văn có nói 『Doãn chấp kỳ trung』, đấy là lời của Nghiêu truyền cho Thuấn, không phải cái chuyện thường dành cho Tam Công. Đám lão thần thấy lời này, không ai không sợ. Cái sự này con gái nhà ta há có thể đảm đương nổi sao?"」. Vương Hoành nghe vậy liền tỉnh ngộ, nên nói với Đổng Cung khéo léo biểu đạt cha vợ không muốn trèo cao. Đổng Cung thở dài nói:「"Nhà ta làm gì phụ lòng thiên hạ, mà thế nhân đều phải khiếp hãi chăng?"」, nói xong cũng buồn bực. Khi ấy trong cung thiết yến, cha con Đổng Hiền cùng anh em nhà Vương Hoành đều hầu rượu, Hán Ai Đế không chút hoang mang mà nói với Đổng Hiền rằng:「"Nếu ta thực sự làm chuyện Nghiêu nhường Thuấn, thì sẽ thế nào?"」. Vương Hoành lập tực nói:「"Thiên hạ là do Cao Hoàng đế giành được, không phải Bệ hạ thực sự thụ hưởng. Đến nay Bệ hạ kế thừa Tông Miếu, nên tích cực phó thác con cháu đời đời, nhiều đời truyền vị mới là đại sự của thiên hạ. Thiên tử không thể tùy ý nói"」. Hán Ai Đế không vui, từ đó Vương Hoành không được hầu yến nữa[18].